HomeBệnh Hay GặpTổng quan U hạt bẹn

Tổng quan U hạt bẹn

- Advertisement -spot_img


Tổng quan U hạt bẹn

Bệnh u hạt bẹn (tên gọi khác là bệnh Donovanosis) là bệnh lý lây truyền qua đường tình dục mạn tính, gây ra bởi trực khuẩn Gram âm Calymmmatobacterium granulomatis. Khi mắc bệnh, sẽ hình thành vết loét hạt mạn tính ở các bộ phận sinh dục, các hạch bẹn và các vùng lân cận.

Bệnh u hạt bẹn

Bệnh u hạt bẹn

Tỷ lệ mắc của bệnh u hạt bẹn hoa liễu từng khá cao ở nhiều nước trên thế giới trước khi có sự ra đời của kháng sinh. Các nước như Nam Trung Quốc, Đông và Tây Ấn Độ, Bắc Úc là các vùng mà tỷ lệ mắc bệnh u hạt ở bẹn cao thành dịch. Hiện nay, nhờ việc sử dụng kháng sinh, các phương tiện chẩn đoán sớm, kịp thời mà số ca mắc u hạt bẹn hoa liễu đã giảm nhiều, chủ yếu gặp ở các nước đang phát triển. Bệnh có thời gian ủ bệnh không rõ ràng, trung bình khoảng 17 ngày, nhưng cũng có thể dao động từ 1 đến 360 ngày. Khi mắc bệnh, sẽ hình thành các vết loét có bờ rõ, không gây đau, nền là mô hạt dễ chảy máu, có màu đỏ, khu trú ở niêm mạc sinh dục và trực tràng. Ngoài ra, các dấu hiệu ở bẹn như viêm hạch bẹn; thường thấy một vùng loét lan rộng ở mu và ở đáy chậu. Quan sát trực tiếp các mảnh tổn thương hoặc sinh thiết phát hiện vi khuẩn (thể Donovan) nằm trong đơn nhân lớn giúp chẩn đoán xác định bệnh. Bệnh tiến triển chậm và có nguy cơ bội nhiễm nếu không được điều trị.

Nguyên nhân U hạt bẹn

Vào năm 1905, lần đầu tiên Donavan đã tìm ra và mô tả căn nguyên gây bệnh u hạt bẹn hoa liễu. Vi khuẩn C. granulomatis thuộc nhóm vi khuẩn Gram âm; chúng có thể nằm trong và ngoài thể Donovan, và đa dạng về hình thái (có thể gặp cầu trùng, trực trùng hay cầu trực trùng). Việc xếp C. granulomatis vào nhóm vi khuẩn nào còn gây tranh cãi vì một số tác giả cho rằng vi khuẩn này vào nhóm Klebsiella, nhưng nhiều tác giả khác vẫn xếp nó thuộc nhóm Calymmmatobacterium; với nguồn mang bệnh là con người.

Triệu chứng U hạt bẹn

Ban đầu, bện nhân có thể xuất hiện các triệu chứng khởi phát như sẩn, cục, sau tiến triển thành loét. Trong đó, thể thường gặp nhất là u hạt loét với một hoặc nhiều tổn thương có màu thịt, không mềm, vết loét rắn màu đỏ và chạm vào dễ gây chảy máu.

Xem thêm  Tổng quan Đa thai

Ở thể quá sản hoặc thể sùi, bệnh nhân có các tổn thương quá sản hoặc loét nổi cao so với bề mặt da, bờ tổn thương không đều. Với thể bệnh này, sẹo lan rộng hoặc xơ hóa là hình ảnh đặc trưng, tổ chức bị hủy hoại và gây xơ cứng, sẹo khiến thương tổn sâu, loét mùi hôi thối.

Thương tổn vùng sinh dục gặp ở 90% số bệnh nhân mắc u hạt bẹn hoa liễu; tổn thương bẹn gặp ở tất cả các trường hợp. Các vị trí tổn thương hay gặp ở nam giới là bao quy đầu, rãnh quy đầu, thân dương vật, hãm dương vật. Với nữ giới, môi nhỏ, chạc âm hộ là các vị trí hay gặp. Cần chẩn đoán phân biệt các tổn thương ở cổ tử cung với ung thư. Thương tổn ngoài bộ phận sinh dục ít gặp, thường kết hợp với các tổn thương tiên phát ở bộ phận sinh dục, xuất hiện ở khoảng 6% trường hợp (các vị trí như môi, lợi, má, mũi, họng, cổ, ngực, vòm họng và thực quản) và có thể bỏ sót nếu bệnh nhân không sống trong khu vực dịch tễ. Ít khi gặp viêm hạch bạch huyết hoặc bệnh u hạt bẹn lan rộng, ngoài ra, viêm tủy xương và viêm đa khớp cũng hiếm thấy. Các thương tổn lan rộng thứ phát ở xương, gan có thể thấy ở phụ nữ có thai; trẻ sơ sinh bị bệnh có thể mắc nhiễm trùng tai.

Các biện pháp chẩn đoán U hạt bẹn

Để chẩn đoán bệnh u hạt ở bẹn cần dựa vào:

– Có yếu tố nguy cơ lây nhiễm như quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ với người mắc bệnh,…

– Biểu hiện lâm sàng: Vết loét ban đầu điển hình sẽ không gây đau, có bờ rõ, nền là mô hạt màu đỏ dễ chảy máu, khu trú ở niêm mạc sinh dục và trực tràng. Các dấu hiệu ở bẹn là thứ phát của đường sinh dục nhưng cũng có thể là nguyên phát khi dấu hiệu thứ phát bị bỏ qua. Người ta thường thấy một vùng loét lan rộng ở mu và ở đáy chậu.

Xem thêm  Tổng quan Cúm

– Chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm: Chẩn đoán được xác định bằng phát hiện vi khuẩn (thể Donovan) nằm trong đơn nhân lớn qua quan sát trực tiếp các mảnh tổn thương hoặc sinh thiết. Có thể nuôi cấy vi khuẩn và có phản ứng sai lệch bổ thể.

Các xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh u hạt ở bẹn bao gồm:

– Nhuộm Leishman và Giemsa: bệnh phẩm thường lấy ở rìa thương tổn. Trong đó nếu nhuộm Giemsa chậm, sau khi để bệnh phẩm 24h cho kết quả 100%.

– Phiến phết Papanicolaou: giúp xác định thể Donovan

– Các xét nghiệm huyết thanh: xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang gián tiếp, cố định bổ thể.

– PCR đã được thực hiện với primers đặc hiệu, xét nghiệm GUMP (Genital ulcer disease multiplex PCR) test giúp chẩn đoán các loét hoa liễu.

Bệnh u hạt bẹn cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh lây truyền qua đường tình dục có loét khác như loét giang mai, sẩn phì đại giang mai, loét hạ cam, loét herpes, các loét do amip hoặc carcinoma gây phá hủy hoặc hoại tử tổ chức.

Chẩn đoán phân biệt của bệnh loét sinh dục gặp ở đối tượng quan hệ tình dục không an toàn rất đa dạng và cần dựa yếu tố dịch tễ. Tại các nước phát triển, căn nguyên chủ yếu do nhiễm herpes và giang mai, ngoài ra, cần loại trừ các căn nguyên không nhiễm trùng khác như dị ứng thuốc, hội chứng Behcet,…Mặc dù, khai thác tiền sử và khám lâm sàng đơn độc thường không thể kết luận chính xác bệnh gì vì các triệu chứng như đau, sưng hạch vùng bẹn và nhiều vết loét có thể gặp trong nhiều bệnh; tuy nhiên, có một số đặc điểm có tính chất gợi ý như sau:

– Vết loét trong bệnh hạ cam thường sâu, có mủ, có liên quan đến triệu chứng đau hạch vùng bẹn.

– Biểu hiện của nhiễm herpes sinh dục là nhiều vết loét, nông, đau, có thể có mụn nước. Ngoài ra, nhiễm herpes thường liên quan đến các đợt bệnh tái phát.

Xem thêm  Tổng quan Rối loạn kinh nguyệt

– Biểu hiện của giang mai là săng cứng, không đau, đáy sạch.

– U hạt ở bẹn thường là các tổn thương loét không đau, tiến triển không có sưng hạch khu vực. Tổn thương thường nhiều mạch máu và có máu đỏ. Tương tự như bệnh hạ cam, u hạt vùng bẹn hiếm xuất hiện ở Mỹ, nhưng lại gây dịch ở nhiều khu vực như Ấn Độ. Papua, New Guinea và Nam Phi.

Các biện pháp điều trị U hạt bẹn

Hiện nay, Azitromycin là thuốc được lựa chọn để điều trị u hạt bẹn hoa liễu, có thể lựa chọn một trong hai phác đồ: 500mg/ngày trong thời gian 1 tuần hoặc azitromycin 1g/tuần trong thời gian 4-6 tuần.

  • Theo phác đồ WHO: khởi đầu dùng azithromycin 1g, sau đó duy trì hàng ngày 500mg cho đến khi khỏi.
  • Theo phác đồ CDC: sử dụng azithromycin 1g/tuần trong thời gian ít nhất 3 tuần cho đến khi khỏi bệnh.

Với trẻ em, liều dùng của azithromycin là 20mg/kg cân nặng trong thời gian 1 tuần. Cần điều trị dự phòng cho trẻ sơ sinh có mẹ bị bệnh không điều trị với liều azithromycin 20mg/kg cân nặng trong thời gian 3 ngày.

Có thể sử dụng các kháng sinh khác như:

  • Chloramphenicol hay cotrimoxazol, tùy thuộc vào vùng địa lý
  • Các kháng sinh như ceftriaxone và quinolon thế hệ mới (ciprofloxacin, norfloxacin)
  • Gentamicin 1mg/kg tiêm bắp hoặc tĩnh mạch.

Với phụ nữ có thai và cho con bú, có thể điều trị bằng erytromycin.

Để phát hiện nhiễm khuẩn kết hợp, cần làm phản ứng huyết thanh chẩn đoán giang mai.


    Tài liệu tham khảo

    1. Bộ Y tế. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục 2013.
    2. CDC. 2015 Sexually Transmitted Diseases Treatment Guidelines
    3. Nhà xuất bản y học. Sổ tay lâm sàng chẩn đoán và điều trị



    Theo Medlatec

    Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.

    - Advertisement -spot_img
    Stay Connected
    16,985FansLike
    2,458FollowersFollow
    61,453SubscribersSubscribe
    Tin mới
    - Advertisement -spot_img
    Bài viết liên quan
    - Advertisement -spot_img