Tổng quan Tràn khí màng phổi
Tràn khí màng phổi là một tình trạng cấp cứu nguy hiểm nhưng lại chưa thực sự được mọi người quan tâm chú ý nhiều. Đã có rất nhiều trường hợp bệnh nhân xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng khi không được phát hiện và xử lý kịp thời, thậm chí có trường hợp dẫn tới tử vong.
Tràn khí màng phổi là một tình trạng cấp cứu nguy hiểm
Tình trạng tràn khí màng phổi được hiểu là sự xuất hiện khí giữa phần 2 lớp màng phổi (lá thành và lá tạng). Tình trạng tràn khí màng phổi được chia thành 2 dạng chính là: Tràn khí màng phổi tự phát (bệnh nhân chưa từng xuất hiện hiện tượng này và cũng không mắc phải các bệnh lý có liên quan) và tình trạng tràn khí màng phổi thứ phát (hay còn được gọi là biến chứng của một số bệnh lý về đường hô hấp).
Nguyên nhân Tràn khí màng phổi
– Tràn khí màng phổi dạng tự phát là do khí từ thoát ra từ nhu mô phổi tràn vào khu vực khoang màng phổi, tình trạng này sẽ gây ra hiện tượng xẹp phổi gây cản trở hô hấp.
Tràn khí màng phổi tự phát thường xuất hiện ở những người trẻ (15 – 34 tuổi) và đối tượng mắc bệnh thường là nam giới. Một số ý kiến cho rằng, tình trạng tràn khí màng phổi tự phát có thể là do di truyền hoặc do hút thuốc lá gây ra. Những người có dáng người cao và gầy cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường.
Tràn khí màng phổi tự phát thường xuất hiện ở những người trẻ (15 – 34 tuổi) và đối tượng mắc bệnh thường là nam giới.
Một số trường hợp bệnh nhân tràn khí màng phổi tự phát theo chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ (cụ thể là những phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản). Mặc dù tình trạng này được xem là xuất hiệu dạng chu kỳ kinh nguyệt thế nhưng vẫn được liệt vào dạng tràn khí màng phổi tự phát. Nguy cơ mắc phải hiện tượng tràn khí màng phổi tự phát này cũng có thể đến từ việc hút thuốc lá, thuốc lào, cần sa hay một số loại chất cấm độc hại khác.
Tỷ lệ người bệnh bị tràn khí màng phổi tự phát bị tái phát có thể lên tới 30%.
– Tràn khí màng phổi thứ phát: là tình trạng tràn khí có thể xuất hiện sau những đợt chữa bệnh về đường hô hấp hay cụ thể là bệnh về phổi, hoặc có thể là một dạng biến chứng khi bệnh nhân đang mắc các căn bệnh nguy hiểm khác.
Một số bệnh lý là nguồn cơn của những đợt tràn khí màng phổi thứ phát là: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh hen suyễn, lao phổi, xơ phổi, ung thư phổi, bệnh nang kén khí, vỡ khí, bệnh xơ phổi kẽ lan tỏa, bệnh bụi phổi,… và các trường hợp bị viêm nhiễm phổi.
Bệnh cũng được chẩn đoán có nguy cơ gây hại cho cơ thể người bệnh hơn hẳn trường hợp tràn khí màng phổi tự phát, nguy cơ tử vong cũng cao hơn nếu không được xử lý tình trạng bệnh tốt và điều trị song song bệnh lý nền.
Triệu chứng Tràn khí màng phổi
Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe người bệnh hiện tại cũng như các bệnh lý nền mà người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng bệnh khác nhau. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những dấu hiệu nhận biết bệnh đặc trưng như:
– Xuất hiện cơn đau tức ngực một cách đột ngột, cảm giác như bị dao đâm trúng ngực. Người bệnh không thể thở đều bình thường mà gặp khó khăn trong việc cố gắng hít thở sâu.
Xuất hiện cơn đau tức ngực một cách đột ngột, cảm giác như bị dao đâm trúng ngực có thể là biểu hiện tràn khí màng phổi
– Có thể xuất hiện các cơn ho, thậm chí ho dữ dội khiến các cơn đau tức ngực càng tăng.
– Huyết áp bị giảm có thể dẫn tới choáng váng và ngất xỉu.
– Mạch đập nhanh, tay chân lạnh buốt, đổ mồ hôi dù không bị nóng, có triệu chứng rối loạn thần kinh,…
Các triệu chứng bệnh sẽ xuất hiện nhanh và dồn dập hoặc có thể diễn ra âm thầm kéo dài trong nhiều ngày, nhiều giờ khiến bệnh nhân khó phát hiện bệnh. Trường hợp bệnh nhân bị tràn khí màng phổi dạng thứ phát thì sẽ có nguy cơ xuất hiện các triệu chứng nặng khác từ các bệnh lý nền và việc xử lý cũng phải song song cả 2 mới có thể mau chóng hồi phục.
Các biện pháp chẩn đoán Tràn khí màng phổi
Ngay khi người bệnh bắt gặp những triệu chứng bệnh đầu tiên như đau tức ngực, ho hay khó hít thở sâu thì hãy liên hệ với các cơ sở y tế để được trợ giúp sớm nhất. Các bác sĩ sẽ xác nhận lại với người bệnh về những triệu chứng mà bệnh nhân đang mắc phải đồng thời hỏi về các bệnh lý nền hiện có để thuận tiện trong việc chẩn đoán cũng như điều trị bệnh.
Một số triệu chứng lâm sàng khác mà bác sĩ sẽ kiểm tra như:
– Lồng ngực bị sưng phồng một bên và hầu như không thể di động (trường hợp này xảy ra vì tràn khí màng phổi thông thường chỉ xuất hiện một bên lá phổi).
– Tam chứng GALIA:
- Khi sờ phổi có thể cảm nhận thấy không còn rung thanh.
- Tiếng rì rào từ phế nang sẽ giảm hoặc thậm chí không còn.
- Bên vùng lá phổi phồng lên nghi ngờ bị tràn khí màng phổi sẽ có tiếng vang khi gõ, các vùng thấp hơn có thể khi gõ nghe đục nếu có tràn dịch hoặc tràn máu màng phổi.
Các xét nghiệm cận lâm sàng thường được thực hiện để chẩn đoán xác định tràn khí màng phổi là:
- Chụp X-quang phổi
Chụp X-quang phổi chẩn đoán tràn khí màng phổi tại BVĐK MEDLATEC
- Đo điện tâm đồ
- Chụp cắt lớp vi tính vùng ngực
- Xét nghiệm máu
- Thực hiện khí máu động mạch
- Soi màng phổi
Tình trạng tràn khí màng phổi cũng có thể bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như: Nhóm các bệnh lý gây khó thở (ARDS, COPD, viêm phổi hoặc tràn dịch màng phổi), tình trạng có kén khí to ở phổi hoặc bóng hơi dạ dày hình thành trên lồng ngực.
Các biện pháp điều trị Tràn khí màng phổi
Trường hợp bệnh nhân bị tràn khí màng phổi mức độ nhẹ (theo chẩn đoán từ bác sĩ chuyên khoa) thì người bệnh có thể chỉ cần nghỉ ngơi và thở Oxy là bệnh sẽ dần dần thuyên giảm và hồi phục sức khỏe. Ngoài ra, một số loại thuốc kháng sinh chống viêm có thể được chỉ định cho người bệnh sử dụng nhằm hạn chế tình trạng bội nhiễm phổi. Đặc biệt không hút thuốc lá hoặc hít phải các loại khói bụi hay khí độc hại trong thời gian nghỉ ngơi hồi sức.
Trường hợp bệnh nhân bị tràn khí màng phổi mức độ nặng thì cần phải thực hiện các phương pháp sau đây:
– Giúp bệnh nhân giảm thiểu các triệu chứng từ bệnh bằng các loại thuốc giảm đau (Paracetamol hay Acetaminophen), thuốc trị ho (Paxeladine) và một số loại thuốc kháng sinh chống viêm nhiễm hệ hô hấp. Thở Oxy liều cao.
Điều trị bệnh: Cho bệnh nhân thở oxy liều cao
– Sử dụng một số biện pháp y tế để rút khí ra khỏi lồng ngực. Tùy thuộc vào tình trạng tràn khí màng phổi là dạng đóng, mở hay có van mà các biện pháp rút khí ra khỏi màng phổi sẽ được thực hiện khác nhau.
Sau khi đã xử lý tình trạng bệnh giai đoạn cấp cứu thì các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các phương pháp y khoa khác nhau để điều trị các dạng như: Điều trị dự phòng nguy cơ bị tràn khí tái phát, điều trị bệnh lý nền gây tràn khí màng phổi, điều trị ngoại khoa khi có kèm chấn thương vùng ngực.
- Nguyên nhân và chẩn đoán tràn khí màng phổi | Vinmec
- Tràn khí màng phổi và những điều có thể bạn chưa biết | Hellobacsi
- Bệnh học tràn khí màng phổi | Điều trị
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.