Bệnh giòi có thể gặp ở nhiều cơ quan bộ phận trong cơ thể như da và niêm mạc; vùng mũi xoang, hầu họng; mắt; tai; cơ quan tiêu hóa; cơ quan sinh dục, tiết niệu; thần kinh trung ương;…
– Bệnh giòi ở da và niêm mạc:
* Tổn thương da dạng nhọt: vị trí da bị ấu trùng xâm nhập có thương tổn dạng nhọt, bên trong chứa nhiều ấu trùng. Hai tác nhân gây bệnh chính là Dermatobia hominis và Cordylobia anthropophaga. Khi thăm khám thấy sẩn, cục bị lõm giữa, đôi khi nhìn thấy lỗ thở của ấu trùng nhỏ màu đen hoặc thấy chúng gián tiếp qua các bong bóng của dịch tiết, dịch tiết thường là dịch máu lẫn với dịch huyết thanh hoặc dịch mủ. Người bệnh thường có cảm ngứa và cảm nhận thấy có vật gì bên trong, đau tăng về đêm. Ngoài ra có thể gặp các thương tốn khác như mụn nước, vết trợt, vết loét trên da. Khi người bệnh được điều trị, tổn thương có thể khỏi hoàn toàn, một số người bệnh để lại di chứng sẹo hoặc tăng sắc tố da. Tuy nhiên, khi bị thương tổn này sẽ tạo điều kiện thuận lợi bội nhiễm vi khuẩn. Các triệu chứng cơ quan khác thường ít gặp, người bệnh có thể sưng hạch vùng lân cận, sốt và các biểu hiện khác gặp khi có bội nhiễm thứ phát.
Vị trí da bị ấu trùng xâm nhập có thương tổn dạng nhọt
* Tổn thương khi ấu trùng di chuyển: thương tổn ban đầu giống trong tổn thương da dạng nhọt, tuy nhiên sau một thời gian, ấu trùng di chuyển, xâm nhập vào thượng bì, đào rãnh tạo các tổn thương đỏ, đường đi ngoằn nghèo độ dài khoảng từ 1 cm đến vài chục cm, bờ cao hơn bề mặt da, màu nhạt dần về cuối đường đi. Bên cạnh đó có thể gặp mụn mủ, sẩn, phù nề thứ phát. Người bệnh thường cảm giác ngứa, châm chích da rất nhiều. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, ấu trùng có thể di chuyển đến các cơ quan khác, mô sâu trong cơ thể.
* Gây bệnh tại các vết thương: vết thương thường chảy máu, chảy dịch, chảy máu và hoại tử. Thương tổn nhiều ngóc ngách, đôi khi tạo hang, tiết dịch máu, mủ, nhiều mùi hôi. Bên dưới các mô bị tổn thương, phá hủy, kèm theo thường bị bội nhiễm vi khuẩn thứ phát. Người bệnh có biểu hiện của hội chứng nhiễm trùng như sốt, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, nổi hạch vị trí lân cận,…
– Bệnh giòi thể mũi xoang, hầu họng: Triệu chứng lâm sàng thường thay đổi phụ thuộc vào vị trí tổn thương. Ở miệng có thể gặp các triệu chứng như đau, sưng, hôi miệng, một số trường hợp ấu trùng chết trong niêm mạc miệng gây sưng đau có thể chẩn đoán nhầm với u tuyến nước bọt. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các lỗ rò vùng miệng, bội nhiễm vi khuẩn đặc biệt là vi khuẩn kỵ khí. Ở mũi thường gây kích ứng và tăng tiết dịch mũi nhiều, phù nề mũi, cảm giác có dị vật trong mũi, đau mũi, chảy máu cam hoặc dịch mũi thối, chua kèm theo có thể có sốt. Bệnh giòi thể tai khiến người bệnh có cảm giác có vật bò trườn trong tai kèm theo thường xuyên nghe thấy tiếng vo vo trong tai, chảy máu, dịch dịch tai, cảm giác ngứa, ù tai kèm theo chóng mặt, nghe kém. Dịch tai tiết nhiều, mùi hôi, bẩn. Ấu trùng có thể xâm nhập sâu hơn vào nhu mô não.
Khi ấu trùng gây bệnh ở cổ họng, người bệnh thường xuyên có cảm giác có dị vật trong họng, ngứa và cảm giác nóng nát kèm theo ho ( thường ho khan, ho nhiều), thở khò khè.
– Bệnh giòi tại cơ quan sinh dục – tiết niệu: người bệnh có thể bị viêm âm đạo, âm hộ với biểu hiện khí hư hôi và ngứa, bỏng rát vùng cơ quan sinh dục, ở nam giới có thể gặp viêm bao quy đầu, niệu đạo, loét sinh dục,… Cơ quan sinh dục trong ít bị nhiễm bệnh hơn cơ quan sinh dục ngoài.
– Bệnh giòi tại cơ quan tiêu hóa: nguyên nhân do con người ăn phải thức ăn hoặc uống nước uống bị nhiễm ấu trùng. Người bệnh có thể đau bụng, buồn nôn, nôn, đi ngoài phân lỏng, ngứa hậu môn hoặc chảy máu đường tiêu hóa dưới.
– Bệnh giòi tại mắt: người bệnh đau mắt, sợ ánh sáng, giảm thị lực, phù nề mắt, chảy nước mắt,… Thăm khám thấy kết mạc sung huyết, xuất huyết kết mạc, giả mạc nhiều,….
– Bệnh giòi tại hệ thần kinh trung ương: tương đối ít gặp tuy nhiên để lại di chứng và tỉ lệ tử vong cao. Biểu hiện tổn thương nhu mô não và màng não, thùy trán hay gặp tổn thương kèm theo có tăng áp lực nội sọ và giãn não thất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.