Tổng quan Khó thở
Khó thở là biểu hiện của chứng bệnh gì?
Chứng khó thở hay còn được mô tả là bị hụt hơi hoặc đói không khí. Đây là tình trạng khá phổ biến, bất kỳ ai cũng có thể bị. Theo khảo sát, trung bình trong 4 người đi khám bệnh đường hô hấp thì sẽ có chừng 1 người mắc chứng khó thở. Bệnh nhân bị khó thở luôn ở trong tình trạng mệt mỏi, thiếu oxy, hô hấp khó khăn, tức ngực và hơi thở đứt quãng. Điều này có thể xảy ra theo cấp độ từ nhẹ tới nặng, nhất thời hoặc dai dẳng.
Chứng khó thở
Công tác chẩn đoán cũng như điều trị chứng khó thở cần dựa vào nguyên nhân gây nên hiện tượng này. mặc dù biểu hiện khó thở khá phổ biến nhưng lại gây nhiều khó khăn trong việc chẩn đoán, chữa trị, đặc biệt là đối với những trường hợp người bệnh gặp cơn khó thở cấp tính, nghiêm trọng.
Nguyên nhân Khó thở
Đôi khi khó thở là biểu hiện bình thường, đó là khi chúng ta tập thể dục và vận động mạnh, các hoạt động như leo núi, chạy việt dã, chạy bền, leo cầu thang hoặc lao động nặng trong thời gian dài mà không có sự nghỉ ngơi giữa chừng. Hiện tượng khó thở có thể tự tan biến sau khi chúng ta ngừng làm những hoạt động trên. Tuy nhiên, nếu khó thở xuất hiện ngay cả khi bạn không vận động hay là m việc gắng sức thì cần phải hết sức lưu ý vì rất có thể bạn đang mắc phải một bệnh lý nào đó.
Khó thở có thể xuất hiện khi ta hoạt động gắng sức
Có các trường hợp sau đây:
1. Nếu bệnh nhân bị khó thở đột ngột sẽ được coi là khó thở cấp tính, lý do vì:
- Bị dị ứng với đồ ăn, phấn hoa,…;
- Lo lắng hoặc căng thẳng quá mức;
- Nghẹt thở hoặc bị dị vật chặn đường hô hấp;
- Thiếu máu;
- Hạ huyết áp – huyết áp thấp;
- Tiếp xúc với Carbon monoxide ở nồng độ cao;
- Thoát vị gián đoạn;
- Viêm phổi hoặc nhiễm trùng phổi;
- Thuyên tắc phổi: máu đóng cục trong tĩnh mạch di chuyển vào phổi;
- Vỡ phổi;
- Mắc bệnh nan y giai đoạn cuối.
2. Nếu một người bị khó thở kéo dài hơn 1 tháng thì được cho là bị khó thở mạn tính. Nguyên nhân là do:
- Bị bệnh hen suyễn;
- Thừa cân, béo phì;
- Gặp vấn đề về tim mạch;
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD);
- Bệnh xơ phổi mô kẽ khiến pohori có những vết sẹo.
3. Các bệnh lý về tim và phổi khác cũng có thể khiến bệnh nhân trải qua tình trạng hụt hơi
- Bệnh ung thư phổi;
- Chấn thương phổi;
- Lao phổi;
- Viêm màng phổi: các mô xung quanh phổi bị viêm;
- Viêm thanh khí phế quản cấp;
- Phù phổi: phổi tích tụ quá nhiều chất lỏng;
- Bệnh Sarcoidosis: những cụm tế bào bị viêm tiến triển trong phổi;
- Tăng huyết áp động mạch phổi;
- Bệnh suy tim;
- Rối loạn nhịp tim;
- Bệnh về cơ tim: giãn cơ tim, viêm cơ tim,…;
- Viêm màng ngoài tim: mô xung quanh tim bị viêm;
- Bệnh mạch vành.
Khó thở cũng là biều hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm ở phổi
Triệu chứng Khó thở
Đối với người trưởng thành khỏe mạnh, nhịp hít vào và thở ra được tính như sau:
- Trong trạng thái bình thường sẽ là 20 lần/phút (xấp xỉ 30.000 lần/ngày);
- Khi vận động mạnh hoặc nhiễm cảm lạnh, nhịp hít và thở có thể nhanh hoặc chậm hơn nhưng không có cảm giác hụt hơi.
Cần cảnh giác nếu bạn gặp phải những dấu hiệu bất thường sau đây khi hít thở:
- Thở gấp, thở nhanh và thở nông;
- Cảm thấy ngột ngạt hoặc bị nghẹt thở;
- Thở khò khè;
- Tức ngực;
- Tim đập nhanh;
- Ho.
Triệu chứng khó thở
Các biện pháp chẩn đoán Khó thở
Chẩn đoán lâm sàng
Khai thác các dấu hiệu khởi phát và tiền sử bệnh nhân:
Khám lâm sàng chẩn đoán nguyên nhân gây khó thở
– Người bệnh có hút thuốc hoặc chung sống, làm việc với những người hút thuốc lá không;
– Người bệnh bị mắc các bệnh mạn tính về phổi, tim mạch, dị ứng (thời tiết, thức ăn, thuốc,…);
– Cơn khó thở bất ngờ xuất hiện hay đến từ từ, là khó thở cấp tính, mạn tính hay tái phát lặp lại nhiều lần;
– Tiến triển bệnh: Khó thở liên tục hay theo từng cơn, liên quan đến thời tiết hay thời điểm ngày hay đêm;
– Hoàn cảnh xuất hiện: Bị khó thở khi nghỉ ngơi hay vận động gắng sức. Vận động mức độ nào thì hiện tượng khó thở xuất hiện;
– Khó thở có thay đổi theo tư thế không: khi nằm, ngồi hay đứng;
– Địa điểm: Khó thở khi ở nhà, nơi làm việc hay ngoài đường, mùa nào hay bị;
– Các dấu hiệu bệnh khác có thể kèm theo:
- Ho;
- Khạc đờm;
- Đau ngực;
- Đánh trống ngực;
- Lúc ngủ có tiếng ngáy to (trước đó không bị);
- Tiếng thở rít;
- Mệt mỏi, sụt cân;
- Sốt, rối loạn ý thức, tâm thần.
Chẩn đoán mức độ khó thở
Cách phân loại mức độ khó thở theo Hiệp hội Tim mạch New York (NYHA):
– Cấp độ 1: Không hạn chế các hoạt động thể lực;
– Cấp độ 2: Chứng khó thở xuất hiện khi hoạt động gắng sức;
– Cấp độ 3: Bị khó thở ngay cả khi vận động nhẹ và hạn chế nhiều hoạt động thể lực;
– Cấp độ 4: Khó thở khi vận động nhẹ, bị cả khi nghỉ ngơi.
Chẩn đoán cận lâm sàng
Ngoài thăm khám các triệu chứng lâm sàng và xác định mức độ khó thở ở người bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn một số kiểm tra cận lâm sàng để bệnh nhân thực hiện. Cụ thể như sau:
– Xét nghiệm máu: Để đo nồng độ oxy có trong máu, đánh giá khả năng vận chuyển oxy trong máu. Nếu bạch cầu tăng có khả năng người bệnh bị nhiễm trùng;
– Chụp X-quang ngực và chụp cắt lớp (CT scanner): Giúp đánh giá tình trạng sức khỏe tim, phổi và các hệ thống khác;
– Xét nghiệm đo xoắn ốc: Giúp phát hiện ra những vấn đề của đường hô hấp qua đo luồng không khí cũng như dung tích phổi của người bệnh;
– Siêu âm tim: Kỹ thuật này rất hữu ích vì có thể giúp xác định được nguyên nhân gây nên hiện tượng khó thở là do bất thường ở tim hay ở phổi để quyết định phương hướng điều trị. Siêu âm tim bao gồm đánh giá chức năng của tâm thu thất trái, dấu hiệu giảm vận động, hoặc vùng vận động nghịch thường trong nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, siêu âm tim có tác dụng xem xét độ dày của thành tim, độ giãn buồng thất phải, cấu trúc của van tim,…;
– Điện tâm đồ (ECG): Nhằm xác định các vấn đề bất thường của tim, bao gồm các dấu hiệu của cơn đau tim.
Các biện pháp điều trị Khó thở
Để bệnh khó thở được chữa trị dứt điểm, người bệnh cần tự ý thức điều chỉnh lối sống khoa học trước khi thực hiện can thiệp bằng các biện pháp y khoa. Đó là:
- Chế độ dinh dưỡng phù hợp:
Nếu bệnh nhân bị mắc chứng thừa cân – béo phì, nguyên nhân gây nên hiện tượng khó thở cần có một thực đơn lành mạnh kết hợp tập luyện ở chế độ hợp lý nhằm đưa trạng thái cân nặng trở về giới hạn cho phép, cũng như phù hợp với thể trạng của mình. Ngoài ra, nếu người bệnh bị béo phì và mắc phải bệnh lý mạn tính, cần có tư vấn từ bác sĩ để áp dụng một chế độ dinh dưỡng – vận động cân bằng, hợp lý.
- Hồi phục chức năng phổi:
Nếu mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc gặp các vấn đề khác về phổi, bệnh nhân cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa hô hấp. Thở oxy có thể giúp cải thiện tình trạng khó thở ở bệnh nhân, đồng thời áp dụng liệu trình tập phục hồi chức năng cho phổi, hay được hiểu là tập thể dục cho phổi. Người bệnh sẽ được hướng dẫn kỹ thuật thở giúp phổi hoạt động được hiệu quả hơn, giảm triệu chứng khó thở.
- Phục hồi chức năng cho tim:
Nếu nguyên nhân dẫn đến khó thở là do tim mạch người bệnh gặp vấn đề, không bơm đủ lượng máu để cung cấp oxy cho các cơ quan trong cơ thể thì cần tiến hành phục hồi chức năng tim. Điều này giúp bệnh nhân có thể kiểm soát bệnh suy tim và các bất thường khác của hệ thống tim mạch. Đối với các ca bệnh nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng máy bơm nhân tạo cho bệnh nhân khi chức năng bơm máu của tim đã suy yếu.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.