Tổng quan Viêm tinh hoàn và viêm mào tinh hoàn
1. Cấu trúc của tinh hoàn và bệnh viêm tinh hoàn
Tinh hoàn ở đàn ông được cấu thành từ các ống sinh tinh và mạch máu. Bình thường nam giới có 1 tinh hoàn bên trái và 1 tinh hoàn bên phải, kích thước chiều dài khoảng 4 – 5cm, nặng tầm 20gr và có một lớp vỏ xơ dày bao bọc phía ngoài, lớp vỏ này màu trắng nên còn được gọi là bao cân trắng. Tinh hoàn ở trong bao cân trắng được phân chia thành 200 – 400 thuỳ nhỏ, và mỗi một thuỳ nhỏ sẽ chứa từ 2 – 4 ống sinh tinh. Các ống này có hình thù cuộn xoắn với nhau và giữa chúng có các vách xơ phân cách, đây chính là bộ phận đảm nhiệm vai trò sản sinh ra tinh trùng.
Cấu trúc tinh hoàn
Nhìn chung, sẽ có khoảng 400 – 600 ống sinh tinh chằng chịt trong mỗi tinh hoàn nam, chúng xếp thành các đường vòng cung và cùng nhau tụ lại tại 1 đầu, đầu còn lại sẽ nối với mào tinh.
Tinh hoàn có chức năng sản xuất ra tinh trùng và testosterone. Trong đó tinh trùng chính là đội quân đóng một vai trò quan trọng trong quá trình sinh sản, giúp các đấng mày râu duy trì nòi giống, còn testosterone là nội tiết tố sinh dục nam ảnh hưởng nhiều đến định hướng phát triển các đặc tính sinh dục ở phái mạnh.
Tình trạng viêm tinh hoàn xảy ra ở nam giới khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau một bên hoặc cả hai bên tinh hoàn, nguyên nhân có thể là do vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào bìu gây nên. Trường hợp một người bị viêm tinh hoàn cấp tính nếu không được phát hiện và chữa trị sớm sẽ tiến triển thành viêm tinh hoàn mạn tính, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng sinh sản người bệnh. Tuy nhiên nếu chẩn đoán sớm và được điều trị đúng cách thì bệnh có cơ hội chữa khỏi hoàn toàn và bệnh nhân vẫn duy trì được khả năng sinh sản.
2. Mào tinh hoàn là gì và khi nào thì nam giới bị viêm mào tinh hoàn?
Cấu tạo của mào tinh hoàn bao gồm có 3 phần chính:
– Phần đầu có kích thước phình to ở trên, nó được liên kết với tinh hoàn thông qua ống xuất.
– Phần thân và đuôi nhỏ hơn so với phần đầu.
Ở không gian bên trong của đầu mào tinh hoàn là các ống xuất, chúng cuộn lại thành các tiểu thuỳ. Kết thúc ở phần đầu của mào tinh hoàn các ống xuất sẽ cùng đi vào một ống đơn gọi là ống mào tinh. Trong trạng thái duỗi thẳng, chiều dài của ống mào tinh có thể lên đến 4 – 6m.
Những tế bào cơ trơn là thành phần bao bọc xung quanh ống mào tinh. Các tế bào này có khả năng co bóp giúp đẩy tinh binh ra khỏi ống mào tinh trong mỗi lần nam giới xuất tinh. Sau khi tinh hoàn sản xuất ra một lượng tinh trùng, đội quân này sẽ được bơm vào mào tinh để được phát triển một cách hoàn thiện. Do đó có thể nói mào tinh không những là nơi chứa tinh trùng mà còn là nơi nuôi dưỡng các tinh binh “khôn lớn”. Sau khi hoàn thiện ở mào tinh, tinh trùng sẽ được xuất ra ngoài qua đường ống tinh.
Khi bị viêm mào tinh hoàn thì vùng này sẽ bị sưng nề và đau. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do bắt nguồn từ việc bị nhiễm khuẩn hoặc cũng có thể không phải do tác động vật lý. Có 2 loại viêm mào tinh hoàn đó là viêm cấp tính và viêm mạn tính, điều này dựa trên khoảng thời gian các triệu chứng tồn tại trên cơ thể người bệnh, cụ thể như sau:
– Viêm mào tinh hoàn cấp tính: kéo dài dưới 6 tuần. Khi mới khởi phát thì đuôi mào tinh là phần bị ảnh hưởng đầu tiên và sau đó là viêm toàn bộ mào tinh. Trong trường hợp viêm mào tinh điều trị muộn sẽ dễ biến chứng thành viêm dây tinh, viêm toàn bộ tinh hoàn và tiến triển thành dạng viêm mạn tính. Dần dần chức năng sinh dục của nam giới bị ảnh hưởng và hệ quả là sẽ dẫn tới chứng vô sinh.
Viêm mào tinh hoàn
– Viêm mào tinh hoàn mạn tính: biến chứng của loại viêm này là khiến nam giới bị áp xe bìu và vô sinh.
Nguyên nhân Viêm tinh hoàn và viêm mào tinh hoàn
1. Viêm tinh hoàn do đâu?
Dưới đây là một số các nguyên nhân gây nên hiện tượng viêm tinh hoàn ở nam giới:
– Bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn, virus, nấm:
– Các loại tạp khuẩn như E.coli, đặc biệt là Pseudomonas aeruginosa và Proteus mirabilis khi xâm nhập vào cơ thể bệnh nhân sẽ di chuyển vào tinh hoàn theo đường máu và gây viêm nhiễm tại đây.
Pseudomonas aeruginosa gây viêm mào tinh hoàn
– Những bệnh nhiễm khuẩn nam giới mắc phải như viêm tuyến tiền liệt, viêm đường tiết niệu, viêm thận, viêm bàng quang thường sẽ gây viêm cả ở bộ phận tinh hoàn.
– Biến chứng của quai bị: đây là một loại bệnh thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm do virus quai bị (tên khoa học là Mumps virus) gây nên. Theo các số liệu thống kê, có đến 20% số bệnh nhân nam bị viêm tinh hoàn bắt nguồn từ biến chứng của quai bị. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể khiến nam giới bị vô sinh.
– Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục: nam giới bị nhiễm lậu, giang mai,… khi quan hệ tình dục sẽ bị viêm tinh hoàn do vi khuẩn, virus tấn công vào cơ quan này.
– Do chấn thương: đây cũng là một trong những yếu tố khiến phái mạnh bị viêm tinh hoàn hoặc viêm mào tinh hoàn.
2. Các nguyên nhân khiến nam giới bị viêm mào tinh hoàn
Cũng gần tương tự như viêm tinh hoàn, một người sẽ bị viêm ở mào tinh hoàn nếu gặp các tình trạng sau:
– Nhiễm các loại khuẩn: E.coli, lậu cầu, sán lá, trực khuẩn lao, ký sinh trùng giun chỉ, Epididymo-orchitis, Neisseria gonorrhoeae, Chlamydia trachomatis.
– Nhiễm virus, nấm: nguyên nhân này rất hiếm gặp.
– Nhiễm khuẩn qua đường tình dục.
– Tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh tim mạch amiodarone.
– Do nước tiểu chảy ngược dòng đi vào trong mào tinh hoàn.
– Do bệnh nhân bị chấn thương.
Triệu chứng Viêm tinh hoàn và viêm mào tinh hoàn
1. Triệu chứng của bệnh viêm tinh hoàn
Viêm tinh hoàn cấp tính:
– Vùng da bìu có biểu hiện đau nhức, 2 bên bẹn cũng có cảm giác đau và nhức mỏi.
– Bệnh nhân bị sốt nhẹ, sau đó sốt cao dần.
Triệu chứng của bệnh viêm tinh hoàn
– Phần mào tinh cũng trở nên phù nề, sưng đỏ và đau rát khiến bệnh nhân rất đau khi vận động.
– Không rõ ràng ranh giới giữa tinh hoàn và mào tinh hoàn.
Viêm tinh hoàn mạn tính:
– Bệnh nhân khó khăn và đau nhức trong việc di chuyển.
– Tinh hoàn và vùng bìu bị đau nhức nặng, mào tinh hoàn sưng tấy.
– Cơ thể suy nhược, sốt cao.
2. Viêm mào tinh hoàn có triệu chứng ra sao?
– Bìu có dấu hiệu ấm nóng, sưng đỏ.
– Đau một bên tinh hoàn, đặc biệt đau hơn mỗi khi tiểu tiện.
– Tần suất đi tiểu nhiều hơn bình thường.
– Ớn lạnh kèm theo sốt cao 39 – 40 độ C.
– Bị đau bộ phận sinh dục khi quan hệ và khi xuất tinh.
– Sưng hạch bẹn.
– Dương vật có chảy dịch và mủ.
– Vùng bụng dưới và vùng xương chậu cũng có cảm giác đau.
– Trong tinh dịch có xuất hiện máu.
– Trên tinh hoàn có khối u.
Các biện pháp chẩn đoán Viêm tinh hoàn và viêm mào tinh hoàn
Khám lâm sàng tinh hoàn hai bên và hạch bạch huyết ở bẹn. Khám trực tràng và tuyến tiền liệt. Ngoài ra có thể thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán viêm mào tinh hoàn:
– Xét nghiệm huyết học và sinh hóa máu đánh giá tình trạng viêm.
Xét nghiệm huyết học và sinh hóa máu đánh giá tình trạng viêm.
– Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra nhiễm trùng đường tiết niệu.
– Xét nghiệm dịch tiết niệu đạo, nhuộm Gram để phát hiện tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục, kháng sinh đồ để giúp chọn lựa kháng sinh thích hợp.
– Siêu âm Doppler để loại trừ xoắn tinh hoàn hoặc khối u tinh hoàn
Các biện pháp điều trị Viêm tinh hoàn và viêm mào tinh hoàn
1. Đối với viêm tinh hoàn
Trường hợp nam giới bị viêm tinh hoàn do nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân dùng các thuốc kháng sinh nhằm diệt khuẩn, tiêu viêm và ngăn không cho vi khuẩn phát triển.
– Nếu viêm tinh hoàn có kèm theo các chứng viêm nhiễm nam khoa khác thì cần điều trị theo kháng sinh đồ, phối hợp thêm các loại thuốc phù hợp.
– Nếu viêm tinh hoàn do bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục thì cần sử dụng phác đồ điều trị theo tác nhân gây bệnh và điều trị cả cho bạn tình để đề phòng trường hợp viêm nhiễm ngược.
– Có thể kết hợp với các loại thuốc đông y để bệnh nhân nâng cao sức đề kháng, tránh tình trạng bệnh tái phát trong tương lai.
2. Đối với viêm mào tinh hoàn
Thông thường sẽ áp dụng điều trị bằng thuốc cho cả viêm mào tinh hoàn cấp tính lẫn mạn tính. Tùy từng trường hợp cụ thể, ví dụ như viêm mào tinh hoàn do mắc bệnh lây nhiễm qua quan hệ tình dục thì bác sĩ có thể chỉ định dùng kháng sinh đường uống hoặc đường tiêm. Phần lớn những bệnh nhân sau khi hoàn tất điều trị đều sẽ khỏi bệnh nếu được chỉ định thuốc phù hợp.
Khi điều trị thuốc cần lưu ý những điều sau:
– Tuân thủ chặt chẽ theo phác đồ điều trị bác sĩ đã hướng dẫn.
– Sử dụng đúng loại thuốc, đúng giờ, đủ liều và đủ thời gian.
– Khi nhận thấy các triệu chứng được cải thiện cũng không được tự ý ngưng dùng thuốc.
– Bệnh thường sẽ có dấu hiệu được cải thiện sau vài ngày điều trị. Trong trường hợp triệu chứng không thuyên giảm thì cần đi khám lại ngay để được bác sĩ đánh giá lại tình trạng bệnh và có thể điều chỉnh đơn thuốc nếu cần thiết.
– Tái khám theo đúng lịch đã hẹn.
– Một số biện pháp điều trị hỗ trợ bao gồm: cố định vùng bìu (bằng cách mặc quần lót chật) tránh vận động mạnh, nghỉ ngơi dưỡng sức, dùng thêm thuốc giảm đau.
– Nếu có biến chứng áp xe bìu cần phải thực hiện phẫu thuật làm sạch.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.