Tổng quan Bệnh tinh hồng nhiệt
Bệnh tinh hồng nhiệt, hay còn gọi là bệnh Scarlet fever, bệnh Scarlatina, là một bệnh nhiễm khuẩn do liên cầu khuẩn gây nên, bệnh đặc trưng bằng biểu hiện viêm họng, viêm Amydal kèm nổi ban toàn thân. Trước đây, khi kháng sinh chưa phổ biến, bệnh có tỷ lệ mắc cao và gây ra nhiều biến chứng và là một trong những căn bệnh nhiễm trùng quan trong ở trẻ em. Ngày nay, nhờ sự ra đời và phổ biến của các loại kháng sinh, bệnh trở nên hiếm gặp và không còn là mối quan tâm hàng đầu.
Bệnh tinh hồng nhiệt thường gặp nhất ở trẻ em tuổi đi học
Ở các vùng khí hậu ôn đới, tỷ lệ mắc bệnh viêm họng GAS đạt đỉnh điểm trong suốt mùa đông và đầu mùa xuân, ở các nước khi hậu nhiệt đới và ở Việt Nam, bệnh xảy ra quanh năm. Trong mùa bệnh lưu hành, có tới 35 – 40% các trường hợp viêm họng ở trẻ em và thanh thiếu niên là do GAS. Viêm họng do GAS thường gặp nhất ở trẻ em tuổi đi học nhưng có thể xảy ra ở trẻ nhỏ hơn, đặc biệt khi chúng có tiếp xúc với trẻ ở độ tuổi đi học.
Nguyên nhân Bệnh tinh hồng nhiệt
GAS là một loài cầu khuẩn gram dương, dễ phát triển, chúng tập trung thành chuỗi nên được gọi là liên cầu. Đây là căn nguyên ra một loạt các bệnh nhiễm trùng liên quan đến đường hô hấp và các mô mềm với mức độ nghiêm trọng khác nhau. GAS yêu cầu môi trường phức tạp để tăng trưởng tối ưu trong phòng thí nghiệm, chúng phát triển tốt nhất trong môi trường có 10% carbon dioxide và tạo ra các khuẩn lạc trên đĩa thạch máu được bao quanh bởi một vùng tan máu hoàn toàn (beta). Các khuẩn lạc thường có đường kính từ 0,5 đến 1,0 mm, mặc dù một số chủng có thể phát triển thành các khuẩn lạc lớn hơn.
Phân loại Lancefield chia liên cầu thành các loại từ A đến O dựa trên phản ứng của kháng huyết thanh cụ thể với các kháng nguyên carbohydrate thành tế bào có thể chiết xuất được bằng axit. GAS cũng được chia nhỏ dựa trên việc phân loại huyết thanh của các kháng nguyên M và T biểu hiện trên bề mặt. Vi khuẩn tiết ra độc tố và các yếu tố độc lực khác nhau để gây bệnh và đây cũng là căn cứ để phân loại các liên cầu. Các phân tử được tiết ra và góp phần vào cơ chế gây bệnh bao gồm các độc tố gây tán huyết streptolysin O (SLO) và streptolysin S (SLS); các enzym như hyaluronidase, streptokinase, nicotinamide-adenine dinucleotidase, deoxyribonucleases; và ngoại độc tố pyrogenic.
Triệu chứng Bệnh tinh hồng nhiệt
Bệnh thường xảy ra ở trẻ em, hiếm khi thấy xuất hiện ở người lớn. Ở trẻ em với những lứa tuổi khác nhau cũng sẽ có những đặc điểm triệu chứng bệnh tương đối khác nhau. Sau giai đoạn ủ bệnh từ 2-4 ngày, có thể kéo dài đến 1 tuần, trẻ bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
Trẻ em từ 3 tuổi trở lên: Ở lứa tuổi này, viêm họng GAS thường khởi phát đột ngột: Sốt, nhức đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn có thể kèm theo đau họng, ăn uống kém. Có thể có tình trạng viêm amydal tiết dịch, với amydal tấy đỏ, sưng hạch bạch huyết, xuất hiện chấm xuất huyết vòm họng, ngoài ra có thể kèm theo viêm tuyến vú. Các triệu chứng thường tự khỏi sau 3 – 5 ngày.
Trẻ em nhỏ hơn 3 tuổi: Trẻ ở lứa tuổi này nói chung không có những triệu chứng điển hình ở trẻ lớn. Thay vì một đợt viêm họng được xác định rõ ràng, trẻ có thể có các triệu chứng nghẹt mũi và chảy dịch kéo dài, sốt nhẹ (<38,3°C).
Trẻ bị nghẹt mũi
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hơn 1 tuổi có thể có các triệu chứng không đặc hiệu, bao gồm quấy khóc, bỏ ăn và sốt nhẹ. Trẻ thường có anh chị em hoặc người chăm sóc hằng ngày bị nhiễm trùng GAS.
Sau khoảng 12-48 giờ kể từ khi có triệu chứng sôt, ban đỏ xuất hiện và kéo dài tới khoảng 1 tuần. Hiện tượng phát ban xảy ra sau khi tiếp xúc với S. pyogenes là do phản ứng loại chậm của da với ngoại độc tố sinh nhiệt (độc tố tạo hồng cầu, thường là loại A, B, hoặc C) do liên cầu tạo ra.
Phát ban của bệnh tinh hồng nhiệt là một ban đỏ lan tỏa, ấn vào mất màu, với nhiều nốt sẩn nhỏ (1 đến 2 mm), tạo ra càm giác như sờ vào tờ giấy nhám. Ban thường bắt đầu ở bẹn và nách, kèm theo da mặt xanh xao và lưỡi như quả dâu tây. Sau đó, ban mở rộng nhanh chóng bao phủ thân mình, tiếp theo là các chi. Phát ban nổi rõ nhất ở các nếp gấp da của vùng bẹn, nách, vùng trước mắt, bụng và các điểm tì đè. Ban thường xuất hiện các đường xuất huyết trong các nếp gấp trước và nách, được gọi là các đường của Pastia.
Sốt tinh hồng nhiệt có thể dẫn đến sốt thấp khớp cấp tính. Điều trị cũng giống như đối với bệnh viêm họng do liên cầu, không có điều trị gì cho tổn thương ban trên da. Sau 24 giờ kể từ khi bắt đầu dùng kháng sinh, trẻ có thể đi học được bình thường, không cần theo dõi đặc biệt gì thêm cho những trường hợp này.
Các biện pháp chẩn đoán Bệnh tinh hồng nhiệt
Chẩn đoán xác định
Chẩn đoán bệnh tinh hồng nhiệt dựa vào có các yếu tố dịch tễ phù hợp với bệnh và những triệu chứng đã được mô tả ở trên, trong đó nổi bật là hai triệu chứng đau họng và phát ban, kết hợp với xét nghiệm căn nguyên để khẳng định chẩn đoán. Tuy nhiên, có từ 5-21% trẻ em từ 3 đến 15 tuổi là người mang liên cầu trong họng mà không có triệu chứng.
Các xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên:
- Xét nghiệm kháng nguyên liên cầu nhanh (RSAT hoặc RADT): Xét nghiệm dựa trên việc chiết xuất kháng nguyên bằng enzym hoặc axit từ dịch họng, có độ đặc hiệu ≥ 95 % và độ nhạy từ 70- 90 % đối với GAS. Với độ đặc hiệu cao và độ nhạy hạn chế như vậy, RADT dương tính rất hữu ích trong việc chẩn đoán viêm họng do GAS, nhưng RADT âm tính không loại trừ GAS, do đó cấy dịch họng nên được thực hiện ở trẻ em và thanh thiếu niên có RADT âm tính.
- Cấy dịch họng: Mặc dù cấy dịch họng là tiêu chuẩn quyết định để chẩn đoán viêm họng cấp do GAS, nhưng thời gian có kết quả phải từ 24 đến 48 giờ, điều này khiến xét nghiệm cấy dịch họng ít được sử dụng làm xét nghiệm ban đầu và ưu tiên. Khi được thực hiện đúng quy trình, độ nhạy của xét nghiệm này có thể lên đến 90- 95% đối với GAS. Nuôi cấy dịch họng thường được thực hiện trên thạch máu cừu 5%, nếu không thấy khuẩn lạc tán huyết beta nào sau 18 đến 24 giờ, đĩa được ủ lại thêm 24 giờ trước khi kết luận là âm tính. Có từ 25- 40 % các mẫu bệnh phẩm dương tính với GAS sau 24 giờ.
Cấy dịch họng
- Các xét nghiệm phân tử: Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) để đánh giá viêm họng do GAS ít được sử dụng, chủ yếu do chi phí cao và đòi hỏi trang thiết bị hiện đại. Có hai loại xét nghiệm phân tử để đánh giá viêm họng do GAS:
- Xét nghiệm PCR nhanh: Kết quả có sau ≤ 15 phút, xét nghiệm PCR nhanh này có độ nhạy ≥97% và độ đặc hiệu > 93%. Do độ nhạy cao, nên không cần thiết phải cấy dịch họng cho những bệnh nhân có kết quả âm tính.
- Các xét nghiệm phân tử tiêu chuẩn: Mặc dù các xét nghiệm phân tử tiêu chuẩn có độ nhạy cao đối với GAS, nhưng do phức tạp và thời gian đợi kết quả lâu (1-3 giờ) nên ít được sử dụng hơn.
- Huyết thanh học GAS: Không có nhiều ý nghĩa, ít dùng
Chẩn đoán phân biệt
- Các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn khác
- Liên cầu nhóm C và G
- Neisseria gonorrhoeae
- Viêm họng do A. haemolyticum
- Bệnh bạch hầu
- Bệnh viêm họng hạt
- Các bệnh nhiễm trùng do virus
- Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng (Virus Epstein-Barr (EBV))
- Nhiễm HIV nguyên phát
- Viêm họng do virus Herpes simplex (HSV)
- Nhiễm cúm
- Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng coronavirus 2 ( SARS-CoV-2)
- Viêm họng do Enterovirus và Adenovirus
- Nguyên nhân không nhiễm trùng của viêm họng: bao gồm kích ứng hoặc khô họng, dị vật, tiếp xúc với hóa chất,…
Các biện pháp điều trị Bệnh tinh hồng nhiệt
Điều trị đặc hiệu
- Bệnh do căn nguyên vi khuẩn, nên điều trị bệnh cần sử dụng kháng sinh.
- Kháng sinh đầu tay để điều trị bệnh sốt tinh hồng nhiệt là nhóm Penicillin (penicillin V, amoxicillin,…), erythromycin có thể là lựa chọn thay thế nếu bệnh nhân dị ứng với nhóm Penicillin
- Bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ và duy trì kháng sinh tới 10 ngày
Điều trị hỗ trợ
- Sốt cao trên 38.5 độ C: Cho uống Paracetamol đúng liều lượng và khoảng cách 4-6 giờ giữa các liều
- Ngứa, phát ban: Dùng thuốc kháng histamine và kem bôi để giảm triệu chứng
- Dinh dưỡng đầy đủ, cho bệnh nhân ăn đồ dễ diêu, uống đủ nước
- Cắt móng tay để ngăn làm tổn thương da do gãi
Tiến triển: Sau 12-24 giờ dùng kháng sinh, sốt sẽ giảm dần, và sau 4 đến 5 ngày bệnh nhân sẽ hồi phục sức khỏe. Mặc dù vậy, những tổn thương trên da có thể kéo dài hơn, đến vài tuần sau đó. Thời gian cách ly cần thiết của bệnh nhân là 24 giờ kể từ khi được dùng kháng sinh và không còn sốt.
- Michael E Pichichero, MD, “Complications of streptococcal tonsillopharyngitis”, Jan 15, 2021, Uptodate.
- Ellen R Wald, MD, “Group A streptococcal tonsillopharyngitis in children and adolescents: Clinical features and diagnosis”, Jun 04, 2021, Uptodate.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.