Tổng quan Sỏi tuyến nước bọt mang tai
Tuyến nước bọt là những tuyến có chức năng tiết nước bọt giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa đồng thời giữ ẩm khoang miệng.
Sỏi tuyến nước bọt là những tinh thể chất khoáng hình thành bên trong ống dẫn tuyến nước bọt, thành phần của sỏi chủ yếu là canxi, một phần nhỏ magie, kali và amoni. Sỏi tuyến nước bọt có thể gây tắc một phần hoặc hoàn toàn đường dẫn nước bọt vào miệng.
Sỏi tuyến nước bọt có thể gây tắc một phần hoặc hoàn toàn đường dẫn nước bọt vào miệng.
Khi dòng chảy nước bọt vào miệng bị tắc, tuyến nước bọt sẽ bị viêm, thậm chí áp xe thì tình trạng bệnh sẽ trở nên nặng nề. Sỏi chính là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên viêm tuyến.
1. Thành phần của nước bọt chủ yếu là nước và một lượng nhỏ các chất điện giải, canxi, phosphate, các hoạt chất kháng khuẩn và các enzyme tiêu hóa. Các hoạt chất kháng khuẩn trong tuyến nước bọt giúp phòng chống:
– Các nhiễm trùng trong miệng
– Bệnh khô miệng mãn tính
– Các bệnh lợi
– Sâu răng
2. Tác dụng của nước bọt: Nước bọt có tác dung làm ẩm , bôi trơn khoang miệng trong quá trình nhai, nuốt, nói và phát âm, các enzym trong nước bọt còn giúp phân hủy 1 phần thức ăn trước khi chúng được nuốt xuống.
Mỗi người có 3 cặp tuyến nước bọt chính bao gồm : tuyến dưới hàm, tuyến mang tai, tuyến dưới lưỡi và vô số tuyến nước bọt nhỏ nằm rải rác khắp niêm mạc môi, má, sàn miệng và họng. Nước bọt được tiết ra qua những ống nhỏ vào khoang miệng gọi là ống tuyến nước bọt, khi ăn nhai tuyến nước bọt bị kích thích, dịch tiết ra nhiều hơn, nếu có sỏi gây bít ống tuyến, chặn lại dòng nước bọt được tiết ra, nước bọt sẽ bị chảy ngược vào trong, ứ lại gây sưng và đau, sau bữa ăn, dịch tiết ra ít đi, nên tuyến sẽ xẹp xuống.
3. Vị trí và đặc điểm tuyến nước bọt mang tai:
Mỗi người có 1 cặp tuyến nước bọt mang tai nằm ngay phía dưới ống tai ngoài, giữa ngành lên của xương hàm dưới và cơ ức đòn chũm. Các thành phần quan trọng bên trong tuyến có động mạch cảnh ngoài, tĩnh mạch sau hàm dưới, tĩnh mạch hàm và nằm nông nhất là dây thần kinh mặt (dây thần kinh số VII).
Nguyên nhân Sỏi tuyến nước bọt mang tai
Sỏi tuyến nước bọt được hình thành khi các chất chứa canxi trong nước bọt như canxiphosphat, canxi cacbonat lắng đọng trong tuyến hoặc ống tuyến, kết tinh lại và tạo thành sỏi. Mỗi viên sỏi có kích thước dao động từ vài mm đến hơn 2 cm.
Sỏi tuyến nước bọt được hình thành khi các chất chứa canxi trong nước bọt kết tinh
Triệu chứng Sỏi tuyến nước bọt mang tai
Sỏi tuyến nước bọt thường không gây ra các triệu chứng khi đang hình thành và đôi khi chúng có thể tự biến mất nếu kích thước nhỏ. Khi những viên sỏi đạt đến kích thước làm tắc ống gây ra các triệu chứng rõ rệt nhất trong các bữa ăn như:
– Bệnh nhân đau tức vùng tuyến mang tai khi nhìn thấy đồ chua hoặc trước mỗi bữa ăn ngon, đồng thời nước bọt tăng tiết trong miệng. Bệnh nhân thấy đau, có cảm giác như bị đè nén tại tuyến và ống dẫn, đôi khi đau dữ dội, nhất là khi ăn.
Bệnh nhân đau tức vùng tuyến mang tai khi nhìn thấy đồ chua đồng thời nước bọt tăng tiết trong miệng
– Vùng tuyến tắc bị sưng, viêm, có hiện tượng phù nề quanh vùng ống dẫn; khi xoa bóp nhẹ tuyến không thấy nước bọt tiết và đôi khi sờ thấy sỏi.
Sau một vài giờ các triệu chứng trên có thể giảm đi do nước bọt được tiết ra nên bệnh nhân cảm thấy đỡ đau. Nếu sỏi ở gần bề mặt tuyến, nó có thể nhìn thấy hoặc sờ thấy ở lỗ ống tuyến. Những viên sỏi có thể khác nhau về đường kính, nhưng chúng thường cứng và có màu trắng.
Một số sỏi gây triệu chứng ngắt quãng hoặc không có triệu chứng
– Trường hợp bội nhiễm: Nước bọt bị ứ đọng có thể dẫn đến sự xuất hiện của vi khuẩn gây ra nhiễm trùng tuyến với các triệu chứng: sốt cao mệt mỏi, hôi miệng, vùng tuyến nước bọt mang tai sưng to, vùng sưng lan rộng ra vùng trước và quanh tai, da tại vùng sưng có thể tấy đỏ; ăn, nói và nuốt đều rất đau; đau suốt ngày đêm, ảnh hưởng đến giấc ngủ; há miệng hạn chế, có hạch viêm phản ứng ở vị trí góc hàm hoặc sau tai, ấn vào vùng tuyến mang tai thấy có mủ chảy ra ở miệng ống Stenon. Tổ chức viêm có thể tạo thành ổ áp xe, gây tổn thương dây thần kinh chi phối hoạt động của các cơ mặt, gây liệt mặt.
Tuy nhiên, biểu hiện lâm sàng của sỏi tuyến nước bọt tùy thuộc chủ yếu vào vị trí của viên sỏi trong tuyến. Nếu sỏi ở trong ống tuyến biểu hiện lâm sàng rõ hơn sỏi trong nhu mô tuyến.
Bệnh thường chỉ gây ra các tổn thương tại tuyến nước bọt, diễn biến lành tính, đa số tự khỏi hoặc có trường hợp chuyển sang viêm mạn tính phì đại tuyến.
Các biện pháp chẩn đoán Sỏi tuyến nước bọt mang tai
– Khám lâm sàng: quan sát các tuyến, sờ bên ngoài tuyến và cả trong miệng, sờ dọc ống Stenon đôi khi thấy sỏi lẫn trong niêm mạc miệng bị sưng, cương nề, cứng, đau.
– Cận lâm sàng: X-quang, CT scan rất hữu ích trong chẩn đoán xác định và phân biệt với các bệnh khác, siêu âm vùng tuyến tìm sỏi, khối u, và hạch…
– Chụp tuyến nước bọt với thuốc cản quang có thể được thực hiện thông qua một catheter đưa vào ống dẫn và có thể phân biệt giữa sỏi tuyến, hẹp hay u tuyến
– Siêu âm tuyến nước bọt đang được sử dụng ngày càng nhiều cho tất cả các loại sỏi (cả cản quang và không cản quang). Vai trò của MRI đang trở nên quang trọng vì độ chính xác cao hơn siêu âm vá XQ.
Chẩn đoán phân biệt
Cần chẩn đoán phân biệt với quai bị
Quai bị: sốt cao từ 38-39 độ C, đau đầu, chán ăn, cảm giác khó nuốt, khó nói chuyện, đau nhức các khớp xương. Vùng tuyến nước bọt mang tai sưng to, lan ra vùng trước tai và lan xuống dưới hàm, đẩy tai lên trên và ra ngoài
Da ở vùng sưng có màu sắc bình thường, không bị nóng đỏ và có tính đàn hồi. Bệnh quai bị thường sưng cả 2 bên tuyến nước bọt mang tai, có khi chỉ sưng 1 bên. Tuyến mang tai trong bệnh quai bị thường sưng to dần trong khoảng 3 ngày, bệnh diễn biến giảm dần trong 7-10 ngày. Tuyến mang tai bên đối diện sẽ bắt đầu sưng khi bên này giảm.
Các biện pháp điều trị Sỏi tuyến nước bọt mang tai
Nếu sỏi được phát hiện, mục tiêu điều trị là loại bỏ sỏi.
Các phương pháp điều trị bao gồm:
– Điều trị tại nhà: Đối với sỏi nhỏ, có thể kích thích tăng sản xuất nước bọt để đẩy sỏi ra khỏi ống tuyến bằng cách dùng thuốc tăng tiết nước bọt, ngậm chanh hoặc kẹo chua không đường và uống nhiều nước, hoặc có thể đẩy sỏi ra khỏi ông tuyến bằng cách chườm ấm và matxa, ấn dọc 2 bên đường đường ống tuyến để đẩy sỏi ra ngoài.
– Đối với những viên sỏi lớn hơn hoặc nằm sâu trong tuyến, thường khó lấy có thể cần phải điều trị phẫu thuật: Các bác sĩ có thể rạch một đường nhỏ trong miệng để lấy sỏi.
– Một điều trị mới hơn sử dụng sóng sốc để tán sỏi từ bên ngoài, sử dụng sóng âm năng lượng cao chiếu trực tiếp vào sỏi để tán thánh những viên nhỏ để đẩy ra khỏi ống tuyến.
– Nội soi lấy sỏi: 1 ống nội soi nhỏ được đưa vào lỗ mở của ống tuyến trong miệng, quan sát hệ thống ống dẫn nước bọt và xác định vị trí sỏi. Sau đó, sử dụng các dụng cụ vi mô, gắp viên sỏi ra ngoài. Nội soi là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn và nhiều ưu điểm:
Nội soi lấy sỏi
- Không vết mổ và không sẹo.
- Ít nguy cơ tổn thương thần kinh.
- Hạn chế chảy máu.
- Bảo tồn tuyến nước bọt và ống dẫn tuyến nước bọt.
- Phục hồi nhanh chóng, thời gian nằm viện ngắn, hoặc bạn có thể về trong ngày.
Đối với những người bị sỏi tái phát hoặc tổn thương không hồi phục đối với tuyến nước bọt, phẫu thuật cắt bỏ tuyến có thể là cần thiết. Tuy nhiên, đây là phương pháp cuối cùng và đòi hỏi phẫu thuật viên có nhiều kinh nghiệm. Vì đi cùng với các tuyến nước bọt là dây thần kinh mặt.
Ngoài ra, điều trị nối khoa phối hợp bao gồm kháng sinh, kháng viêm, giảm đau… nếu sỏi nước bọt đã gây ra nhiễm trùng.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.