Tổng quan Giãn phế nang
Phế nang được biết đến là một đơn vị được phân cấp cuối cùng trong phổi và vai trò của chúng vô cùng quan trọng. Phế nang có hình dáng như những túi khí nhỏ li ti kết dính với nhau tạo thành một tổ hợp giống hình dáng một chùm nho, chúng thường nằm tại vị trí đầu các ống dẫn khí nhỏ nhất. Đường kính mỗi phế nang chỉ khoảng 0,1 – 0,2mm và có chứa khí bên trong. Số lượng phế nang có trong cơ thể một người trưởng thành có thể lên tới 300 triệu túi phế nang khiến cho tổng bề mặt hô hấp của phổi có thể đạt tới 120 m2.
Giãn phế nang phổi
Cơ chế hoạt động của phế nang song song với hoạt động giãn nở của phổi khi con người hít thở. Khi chúng ta hít vào, các phế nang sẽ hút không khí vào và phình to ra, ngược lại khi chúng ta thở ra thì các phế nang sẽ xẹp lại và đẩy không khí ra ngoài. Quá trình này sẽ diễn ra liên tục và đều đặn sẽ đảm bảo lưu thông và trao đổi khí của cơ thể. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp cơ thể gặp phải những tác động không mong muốn ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan hệ hô hấp thì các phế nang cũng sẽ bị tổn thương. Tình trạng giãn phế nang khi các phế nang bị mất tính đàn hồi, giảm độ co giãn hay thậm chí hư hỏng và không thể hồi phục,… khả năng trao đổi khí của phế nang bị suy yếu.
Nguyên nhân Giãn phế nang
Tình trạng giãn phế nang xuất hiện bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân gây ra và hầu hết là do vấn đề về bệnh lý nền ảnh hưởng.
- Bệnh viêm phế quản mạn tính có khả năng lây nhiễm sang phế nang làm phá hủy cấu trúc và gây giãn phế nang.
- Bệnh lao phổi bắt nguồn từ vi khuẩn lao có thể làm căng giãn phế nang và làm xơ hóa thành phế nang.
Vi khuẩn lao có thể làm căng giãn phế nang và làm xơ hóa thành phế nang.
- Bệnh hen phế quản hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ làm căng giãn phế quản, hệ thống mao mạch ở phổi và cả vùng phế nang.
- Người bệnh bị bụi phổi vô cơ: Đây là dạng bệnh lý xuất hiện chủ yếu do môi trường làm việc có chứa quá nhiều bụi bẩn kèm các loại bụi phổi (silic, amiăng hay bụi than). Bệnh bụi phổi sẽ khiến thành phế quản bị viêm nhiễm, phế nang cũng sẽ bị ảnh hưởng giãn và xơ.
- Tình trạng lão suy: Đây là dạng bệnh thường xuất hiện ở người cao tuổi do hoạt động phổi diễn ra quá lâu nên phế nang dễ bị xơ hóa và giãn.
- Thiếu protein AAT (một dạng bệnh di truyền) sẽ khiến độ đàn hồi của phế nang giảm sút nghiêm trọng, các enzyme sẽ gây thương tổn đến phổi, dẫn đến giãn phế nang.
- Giãn phế nang cũng có thể là do hệ quả của bệnh Sarcoidose.
- Tình trạng lồng ngực bị biến dạng hoặc phế quản bị chít hẹp rất dễ khiến tắc nghẽn phế quản và phế nang, dần chuyển biến thành bệnh giãn phế nang.
Triệu chứng Giãn phế nang
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và các bệnh lý khác kèm theo mà mỗi người lại xuất hiện những triệu chứng bệnh khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có những triệu chứng được cho là điển hình nhất về bệnh giãn phế nang như:
- Khó thở: Mức độ khó thở sẽ tăng dần khi bệnh tình chuyển biến nặng hơn tuy nhiên sẽ dịu đi trong khi người bệnh nằm ngủ.
- Ho: Người bệnh có thể xuất hiện các cơn ho khan hoặc ho có đờm đặc, trong trường hợp ho có đờm mủ thì khả năng cao do người bệnh có bệnh lý nền là viêm phế quản.
- Lồng ngực có triệu chứng bị biến dạng, căng tròn dạng hình thùng.
- Đau vùng thượng vị bắt nguồn từ hoạt động quá sức của cơ bụng.
- Da dẻ tím tái: Môi là nơi bị tím tái đầu tiên, sau đó sẽ lan dần tới các đầu ngón tay ngón chân.
- Chán ăn, mất ngủ, cơ thể mệt mỏi, dễ nhức đầu vào buổi sáng sớm,.
Người giãn phế nang có thể xuất hiện các cơn ho khan hoặc ho có đờm đặc
Các biện pháp chẩn đoán Giãn phế nang
Ngay khi phát hiện ra những triệu chứng có nghi ngờ là do giãn phế nang, bệnh nhân cần lập tức tìm tới các cơ sở y tế uy tín để được hỗ trợ tốt nhất. Các bác sĩ sẽ kiểm tra các triệu chứng lâm sàng trước để xác định khả năng mắc bệnh cao hay không. Sau đó sẽ thực hiện các biện pháp chẩn đoán bệnh như sau:
- Chụp X-quang: Hình ảnh chụp x-quang sẽ cho thấy mức độ căng phồng lồng ngực, khoang liên sườn rộng ra, xương sườn nằm ngang. Hình ảnh cung động mạch phổi bị nổi lên, nhu mô phổi sáng hơn bình thường, khoảng sáng sau tim rộng ra, sự phân bổ khí và máu không đều ở phổi,…
- Chụp cắt lớp vi tính đa dãy với độ phân giải cao là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán giãn phế nang. Tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính 128 dãy hiện đại, đạt chuẩn đã phát hiện rất nhiều trường hợp bệnh nhân giãn phế nang giúp việc chẩn đoán và điều trị hiệu quả, nhanh chóng.
- Thực hiện điện tim đồ và thăm dò các chức năng hệ hô hấp.
Các biện pháp điều trị Giãn phế nang
Lựa chọn phương pháp điều trị như thế có hiệu quả hay không còn cần phải phụ thuộc vào tính chính xác khi chẩn đoán bệnh tình. Ngoài ra, các bác sĩ cũng sẽ xác định những loại bệnh lý nền hiện có của người bệnh để lựa chọn loại thuốc điều trị phù hợp.
– Nguyên tắc chữa trị bệnh giãn phế nang: Thực hiện các biện pháp nhằm giúp phổi xẹp bớt và giảm lượng khí những vùng bị tích tụ quá nhiều khí trong phổi. Tiếp theo sẽ giúp người bệnh giảm công hô hấp và cải thiện khả năng gắng sức bằng việc thở bình oxy.
Bên cạnh đó, việc điều trị giãn phế nang phải được kết hợp với các bệnh lý nền và các biến chứng mà bệnh gây ra. Hầu hết những trường hợp bệnh nhân bị giãn phế nang đều sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến phế quản, do vậy cần điều trị phế quản bằng một số loại thuốc chuyên trị. Một số loại thuốc thường được chỉ định dùng cho bệnh nhân giãn phế nang là:
- Thuốc giãn phế quản: giúp phổi giảm triệu chứng căng phồng quá mức, hỗ trợ tăng khả năng gắng sức, giảm triệu chứng khó thở.
- Thuốc Corticoid dạng uống hoặc dạng khí: Nhằm điều trị dự phòng các triệu chứng viêm nhiễm.
- Một số loại kháng sinh khác cũng được chỉ định dùng nhằm điều trị các dạng nhiễm khuẩn do viêm phổi hay viêm phế quản.
Song song với việc điều trị bệnh giãn phế nang và các bệnh lý có liên quan thì bệnh nhân cũng cần lưu ý thực hiện các việc sau đây để có được kết quả điều trị tốt nhất:
- Thay đổi lối sống lành mạnh hơn bằng cách loại bỏ thuốc lá và các chất kích thích khác nhằm giúp quá trình điều trị bệnh tiến triển nhanh hơn, hạn chế tối đa sử dụng rượu bia.
- Tập một số bài tập vật lý trị liệu như bài tập thở chúm môi nhằm hạn chế tình trạng khí bị ứ đọng trong lồng ngực, giảm triệu chứng khó thở.
- Chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng nhằm cải thiện sức khỏe cũng như nâng cao sức đề kháng.
Tập thể dục là biện pháp hỗ trợ điều trị giãn phế nang
Mặc dù điều trị giãn phế nang là không khỏi hoàn toàn, nhưng các bác sĩ của bệnh viện đa khoa Medlatec đã hỗ trợ điều trị và hướng dẫn tập phục hồi chức năng phổi cho rất nhiều bệnh nhân bị giãn phế nang để nâng cao chất lượng cuộc sống, đề phòng các nguy cơ bội nhiễm phổi và hạn chế biến chứng của giãn phế nang.
Bài viết tham khảo:
Biến chứng của giãn phế nang | Bệnh viện Vinmec
Tìm hiểu về bệnh giãn phế nang | Bệnh viện Thu Cúc
Giãn phế nang – Nguyên nhân, giấu hiệu và điều trị | Hồng ngọc
Tìm hiểu về bệnh phế nang | Sổ tay sức khỏe
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.