Tổng quan Viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai
Viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai thường chỉ tình trạng viêm nhiễm đường sinh dục dưới như âm hộ, âm đạo, viêm cổ tử cung mà người phụ nữ vẫn có thể mắc trong thai kỳ. Khi mang thai đa số người phụ nữ thấy khó chịu có thể là ngứa phần ngoài bộ phận sinh dục, ra nhiều khí hư, có thể kèm ngứa, hoặc có mùi hôi và đó là lí do khiến họ phải đi khám. Những vấn đề viêm phụ khoa, sự ảnh hưởng tới quá thai kỳ cũng như phương pháp điều trị và cách dự phòng hạn chế viêm nhiễm tái phát chính là nội dung của bài viết này.
Khi mang thai đa số người phụ nữ thấy khó chịu có thể là ngứa phần ngoài bộ phận sinh dục
Dịch tễ
Theo nhiều nghiên cứu, có đến 20 – 30% số phụ nữ mang thai từng đi khám vì viêm phụ khoa. Tuy nhiên thực tế con số này có thể nhiều hơn do phụ nữ mang thai họ có tâm lý sợ khám phụ khoa, tự mua thuốc điều trị hoặc không điều trị vì sợ ảnh hưởng tới thai nhi.
Nguyên nhân Viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai
Tác nhân gây bệnh
Như mọi phụ nữ, thai phụ dễ viêm phụ khoa do vi khuẩn như: lậu, Chlamydia, vi khuẩn gram âm, trùng roi và tỷ lệ viêm phụ khoa do nấm gặp trên phụ nữ mang thai rất phổ biến. Có những thai phụ trong cả quá trình mang thai liên tục điều trị viêm âm đạo do nấm, nhưng khi sinh xong, nội tiết ổn định, họ cũng không bị nhiễm lại hoặc rất hiếm.
Viêm phụ khoa do một số nguyên nhân hay gặp
– Viêm âm đạo do nấm
Tác nhân hay gặp nhất là nấm candida. Viêm nhiễm do nấm có thể gặp ở bất kì thời điểm nào khi phụ nữ mang thai, có thai phụ bắt đầu có thai đã thấy kèm theo âm đạo tiết dịch và có triệu chứng ngứa. Tuy nhiên, nhóm có thai từ quý II và quý III tỷ lệ mắc cao hơn.
Tác nhân hay gặp nhất là nấm candida.
Khi nhiễm nấm âm đạo, thai phụ có các triệu chứng:ngứa vùng sinh dục ngoài, âm hộ hai môi, kẽ hai môi hoặc đáy quần lót có bám khí hư dạng trắng. Khi quan hệ hoặc đi tiểu cũng có cảm giác khô và rát.
– Viêm phụ khoa do vi khuẩn
Vi khuẩn cũng là một trong những tác nhân gây bệnh viêm phụ khoa rất hay gặp ở nhóm phụ nữ mang thai. Khi mang thai nội tiết thay đổi, pH của âm đạo phụ nữ mang thai, đồng thời âm đạo của phụ nữ cũng tăng tiết dịch nhiều tạo môi trường cho vi khuẩn dễ phát triển. Khí hư nhiều, thường đổi màu xanh/ vàng và đôi khi có mùi hôi, mùi tanh khó chịu. Viêm sinh dục do vi khuẩn thường bệnh nhân không thấy có triệu chứng ngứa.
– Viêm phụ khoa do lậu cầu
Vi khuẩn lậu là một trong những vi khuẩn phổ biến gây bệnh viêm nhiễm lây qua quan hệ tình dục. Ở phụ nữ mang thai nguồn lây chính là vi khuẩn từ trong niệu đạo của nam giới khi có phát sinh quan hệ tình dục. Triệu chứng viêm do lậu cầu ở phụ nữ mang thai cũng giống bình thường: khí hư xanh mủ, mùi hôi có thể kèm tiểu buốt dắt, đau tức cài bụng dưới.
– Viêm phụ khoa do virus
Do tình trạng miễn dịch sức đề kháng giảm khi mang thai nên mẹ bầu rất dễ bị viêm nhiễm do virus. Những virus thường nhiễm qua quan hệ tình dục như HSV- herpes simplex virus hay HPV – human papillomavirus
Triệu chứng của viêm sinh dục do herpes điển hình là những tổn thương dạng mụn nước đứng tập trung thành chùm, khi mụn nước vỡ sẽ tạo nên các vết trợt loét và thường làm bệnh nhân rất đau rát. Tổn thương hay bị ở vùng da âm hộ phía ngoài, vùng bẹn và có thể lan cả vào trong âm đạo. Tuy nhiên, tổn thương trong âm đạo cần khám mở mỏ vịt mới thấy rõ được.
HPV cũng là 1 loại virus mà phụ nữ mang thai dễ mắc. HPV type 6,11 lành tính nhưng thường gây ra các tổn thương dạng nụ sùi, mụn cơm vùng sinh dục: âm hộ, tầng sinh môn, hậu môn. Nguyên nhân có thể do phụ nữ bị lây nhiễm trong quá trình mang thai hoặc đã mang virus tiềm ẩn từ trước và khi mang thai miễn dịch giảm, virus hoạt động mạnh gây các tổn thương da thực thể. Tổn thương do HPV thường màu trắng, xám hoặc tím hồng, dạng nhú, dạng sùi rất đặc trưng. Thai phụ được phát hiện khi khám phụ khoa hoặc tự phát hiện tại nhà khi vệ sinh bộ phận sinh dục. Bác sĩ sản phụ khoa cần thăm khám cả trong âm đạo, cổ tử cung để đánh giá xem có tổn thương kèm theo hay không.
Triệu chứng Viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai
Triệu chứng chung của viêm phụ khoa ở thai phụ:
– Thai phụ thấy ngứa, rát âm hộ, đôi khi cảm thấy ngứa ở cả hậu môn. Nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ thấy tăng tiết dịch khó chịu. Tính chất khí hư có thể vàng, xanh, loãng hoặc đặc hoặc bã đậu có thể có mùi hôi.
– Thăm khám thấy phía ngoài âm hộ có thể viêm đỏ, khí hư nhiều có thể chảy và bám xung quanh môi lơn, môi nhỏ, kẽ hai môi. Thăm khám mở mỏ vịt: Bệnh nhân thấy đau rát. Quan sát có thể âm đạo viêm đỏ, có thể viêm đỏ cả cổ tử cung, khí hư bột bám nhiều hai bên thành âm đạo, khí hư dạng dịch đọng cùng đồ và bề mặt cổ tử cung. Ngoài ra có thể quan sát thấy cổ tử cung lộ tuyến viêm tiết nhiều dịch. Một số trường hợp bác sĩ không cố gắng lau sạch khí hư vì có thể làm trầy xước âm đạo và gây chảy máu do niêm mạc âm đạo phụ nữ mang thai dễ bị tổn thương.
Các biện pháp chẩn đoán Viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai
Mặc dù đang có thai nhưng nếu bạn thấy có những dấu hiệu viêm phụ khoa hoặc các triệu chứng khó chịu tại bộ phận sinh dục bạn cần đi khám ngay để được bác sĩ khám và chẩn đoán bệnh sớm. Bác sĩ cần dựa vào:
– Tiền sử sản phụ khoa, tiền sử các bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục, các bệnh viêm phụ khoa thai phụ đã từng điều trị.
– Tình trạng thai nghén, khám thai lần này.
– Khám phụ khoa: đánh giá âm hộ, tầng sinh môn phía ngoài, thăm mỏ vịt đánh giá âm đạo, cổ tử cung, dịch âm đạo và bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm dịch âm đạo để xét nghiệm tìm nguyên nhân gây viêm.
Khám phụ khoa
– Lấy xét nghiệm dịch cần đảm bảo lấy các vị trí như cùng đồ, thành bên âm đạo hoặc tại vị trí nghi ngờ nếu có tổn thương.
– Có thể xét nghiệm pH âm đạos nếu nghi ngờ mất cân bằng pH âm đạo.
Các biện pháp điều trị Viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai
Dùng bất cứ loại thuốc nào cho phụ nữ mang thai đều cần có sự kê đơn và hướng dẫn từ bác sĩ. Trong điều trị viêm phụ khoa cũng vậy, sau khi bác sĩ đã khám và xét nghiệm, chẩn đoán bệnh nhân có viêm, mức độ và nguyên nhân viêm bác sĩ chuyên khoa sẽ kê đơn thuốc phù hợp cho thai phụ mà không ảnh hưởng tới thai nhi trong quá trình sử dụng thuốc.
Loại thuốc đặt âm đạo bác sĩ sản thường kê và được đánh giá là an toàn cho thai thường được phối hợp giữa 3 thành phần: Neomycin, Nystatin và Polymyxin B (kháng sinh và kháng nấm), tác dụng điều trị viêm do nấm và vi khuẩn.
Cần chú ý, thuốc chống nấm và kháng sinh, bác sĩ cần cân nhắc trước khi kê đơn, đánh giá lợi ích và tác hại của thuốc trước khi kê đơn cho thai phụ.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.